Nhận biết người nghiện ma túy qua đặc điểm tâm – sinh lý

Nhận biết người nghiện ma túy: Nắm vững “Đặc điểm tâm sinh lý và kỹ năng tiếp cận với người nghiện ma túy” là một công việc rất cần thiết. Nhằm trang bị cho chúng ta kiến thức cũng như các kỹ năng khi tiếp cận. Hoặc làm công tác cai nghiện ma túy tại các cơ sở chữa bệnh, tại gia đình và cộng đồng để có thể giúp họ cai nghiện hòa nhập với gia đình và cộng đồng có hiệu quả. Bên cạnh đó người thân sẽ có cái nhìn chính xác và tích cực hơn trong việc hỗ trợ con em mình cai nghiện. Đừng quên cai nghiện ma tuý là một chặng đường dài chứ không phải một sớm một chiều …..

Nhận biết người nghiện ma túy qua đặc điểm tâm - sinh lý
Nhận biết người nghiện ma túy qua đặc điểm tâm – sinh lý

Đặc điểm tâm – sinh lý của người nghiện ma túy

Phần lớn người nghiện có sự biển đổi về nhân cách do sự lệ thuộc vào ma túy về mặt tâm thần, về mặt cơ thể hoặc bị lệ thuộc cả hai. Khi người nghiện có đủ ma túy để dùng thì họ cảm thấy thoải mái, sảng khoái. Khi không có nó thì họ thường cau có, bực bội hoặc cô độc, u sầu. Do các chất ma túy thường tạo nên khoái cảm, sảng khoái làm cho người nghiện giảm hứng thú, nhân cách bị thu hẹp, cách cư xử trở nên thô lỗ. Người nghiện thường ít chú ý đến người thân, thờ ở với công tác, với những vui buồn trong cuộc sống.

Tìm đủ mọi cách để có được ma túy

Đặc biệt do tính lệ thuộc ma túy nên người nghiện tìm đủ mọi cách để đảm bảo có được liều quen dùng. Vì vậy, họ có thể nói dối, lấy cắp của gia đình, của xã hội, cướp giật…miễn làm sao họ có được ma túy. Cho nên, họ đã làm cho bản thân và gia đình tan nát về vật chất, tinh thần, đạo đức…

Một đặc điểm nữa đáng chú ý của người nghiện ma túy (NNMT) là họ luôn tìm cách gây “Lây lan về tâm lý”. Họ thường hứng thú nói về cảm giác sảng khoái, sung sướng khi dùng ma túy, khiến mọi người khác có ý nghĩ muốn dùng.

Tùy thuộc vào từng loại chất kích thích mà những biến đổi đến tâm sinh lý có khác nhau ở từng người nghiện khác nhau.

Ví dụ như: nghiện thuốc phiện có biểu hiện rối loạn về tâm lý, nói điệu, lười biếng, ít chú ý đến vệ sinh thân thể. Về thực thể thì táo bón, co đồng tử, thiếu máu, chán ăn nên sút cân, mất ngủ, già trước tuổi, run. Khả năng chống nhiễm khuẩn kém, dễ chết vì bệnh truyền nhiễm.

Nghiện Morfin, Heroin gây cảm giác sảng khoái do hưng phấn vùng khứu não làm tăng trí tưởng tượng, làm mất buồn rầu, sợ hãi. Tạo nên trạng thái lạc quan, nhìn màu thấy đẹp, nghe tiếng động thấy dễ chịu, mất cảm giác đói… Nghiện Cocain kích thích thần kinh trung ương gây sảng khoái, khoái cảm, ảo giác, giảm mệt mỏi, hết đói khát.

Nghiện ma túy tổng hợp (Amphetamin: Metham phetamin, Ecstancy…)

Sẽ gây các biểu hiện rối loạn tim mạch, dao động huyết áp, đau mỏi cơ, gầy sút cân, rối loạn thần kinh thực vật. Và làm cùn mòn ý thức, căng thẳng cảm xúc, mất ngủ, lo âu, giảm hoặc mất khả năng xét đoán.

Người nghiện ma túy kể từ khi bắt đầu thực hiện cắt cơn và giải độc cho đến khi có thể phục hồi được chia làm 5 giai đoạn như sau:

Nhận biết người nghiện ma túy qua đặc điểm tâm - sinh lý
Nhận biết người nghiện ma túy qua đặc điểm tâm – sinh lý

1. Giai đoạn cắt cơn (từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 15):
Cắt cơn chỉ là giai đoạn đầu tiên của việc cai nghiện, Để “quên” được ma tuý cần phải có sự cố gắng bền bĩ

Đây là giai đoạn đầu NNMT bắt đầu ngừng sử dụng ma túy, họ có những đặc điểm sau:

Xuất hiện hội chứng cai (rối loạn sinh học) như: người mệt mỏi, ngáp chảy nước mắt, nước mũi, nổi da ga, vã mồ hôi, thèm ma túy, mất ngủ, dị cảm, đau mỏi cơ khớp buồn bực chân tay, chuột rút cơ, dãn đồng tử, tăng thân nhiệt… Trong đó người nghiện sợ nhất là triệu chứng dị cảm và mất ngủ. NNMT có thời gian nghiện lâu và sử dụng nhiều lần trong ngày thì các triệu chứng cai càng nặng.

Những đặc điểm tâm lý: chán nản, tính khí thay đổi thất thường:

Sự khó chịu, cáu gắt. Lúc đầu họ sẵn sàng phối hợp với cán bộ để tham gia điều trị. Sau đó họ lại thay đổi ý kiến không muốn cai nữa. Uể oải, không tự chủ được bản thân, nhiều khi họ đi lại lung tung, nói năng thô tục bừa bãi.

Do những đặc điểm này, người nghiện dễ bỏ dở điều trị hoặc bỏ trốn khỏi nơi cai nghiện. Vì vậy, giai đoạn này cần có biện pháp tư vấn để họ yên tâm điều trị.

2. Giai đoạn lạc quan tếu (từ ngày thứ 16 đến ngày thứ 45):

Sau khi người nghiện vượt qua giai đoạn cắt cơn, hội chứng cai giảm đáng kể, sức khoẻ bắt đầu hồi phục, họ có thể lên cân. Người nghiện thường lầm tưởng đã chiến thắng và dễ dàng bỏ được ma túy, ở họ xuất hiện những đặc điểm tâm lý sau:

Cảm giác lâng lâng như đi trên mây, hưng phấn, nói cười rất nhiều hay bộc lộ những lỗi lầm trong quá khứ, khẳng định không bao giờ nhắc lại những quá khứ đó.

Nhận biết người nghiện ma túy qua đặc điểm tâm - sinh lý
Nhận biết người nghiện ma túy qua đặc điểm tâm – sinh lý

Tự tin quá mức thường xãy ra trong giai đoạn này

Cảm giác phấn khích mạnh mẽ, lạc quan quá đáng, họ lúc nào cũng nói rằng họ đã bỏ được ma túy, chủ động trong việc sử dụng ma túy. (thích thì dùng không dùng nữa thì thôi được ngay, không nghiện như người khác…). Hình ảnh NNMT phát biểu rất hay, hứa từ nay đoạn tuyệt với ma túy… tại các lễ tổng kết lớp “Cai nghiện” có rất nhiều, nhưng ngay ngày hôm sau họ lại quay lại sử dụng ma túy. Những đặc điểm tâm lý giai đoạn này đã đánh lừa nhiều cán bộ điều trị, họ tưởng đã cai nghiện cho một người thành công do tâm lý ngộ nhận về mình. Giai đoạn này họ cho là không ai bằng họ, việc gì họ cũng có thể làm được, nhưng thực chất họ không làm được việc gì cả.

3. Giai đoạn bế tắc (từ ngày thứ 46 đến ngày thứ  120):

Đây là giai đoạn người nghiện có những tâm lý xấu ảnh hưởng đến công tác điều trị phục hồi với một số tâm lý sau: buồn chán, lười nhác, cáu kỉnh; thiếu tự tin, không thật thà. Hay cô đơn, bi quan, chán nản, thấy cuộc đời đen tối, dễ kích động đánh nhau. Hoặc doạ tự sát, lo lắng, phủ nhận thực tế, hồi tưởng lại những hình ảnh, âm thanh… về những ngày qua họ sử dụng ma túy. Kkhông có khoái cảm tình dục, dễ bị bạn bè rủ rê hoặc muốn sử dụng lại ma túy. Dễ bỏ dở điều trị, có nguy cơ tái nghiện; thiếu lòng tự trọng.

Nhận biết người nghiện ma túy qua đặc điểm tâm - sinh lý
Nhận biết người nghiện ma túy qua đặc điểm tâm – sinh lý


Bế tắc, không lối thoát ….

Những đặc điểm tâm sinh lý phổ biến:

Một số sinh lý bắt đầu ổn định như các triệu chứng của hội chứng cai dần dần hết, thường chỉ còn lại triệu chứng mất ngủ, đau nhức trong xương. Tâm lý người nghiện muốn có thêm nhiều bạn mới, khả năng suy nghĩ rõ ràng hơn. Họ có thể suy nghĩ theo chiều hướng tốt, cũng có thể theo chiều hướng xấu.

Do đó, cán bộ điều trị phục hồi phải nắm bắt được những đặc điểm tâm lý của họ để định hướng phục hồi. Sửa đổi hành vi, đưa họ tham gia các chương trình hoạt động nhóm. Hoạt động tập thể để họ tiếp xúc với gương tốt, học hỏi kinh nghiệm những người nghiện tiến bộ.

4. Giai đoạn tự điều chỉnh (từ ngày thứ 121 đến ngày thứ 180):

Giai đoạn này người nghiện đang được phục hồi, họ sẽ xuất hiện một số hành vi phổ biến và các đặc điểm tâm lý sau:

Một số hành vi phổ biến: hiện tượng buồn chán giảm, tích cực tham gia cai nghiện, có thể trở lại trạng thái nguy cơ cao. Có hành vi muốn sử dụng lại ma túy nếu nguyên nhân về sang chấn tâm lý “stress” trước kia chưa được giải quyết. Hoặc trong quá trình cai nghiện, phục hồi họ gặp phải những thái độ không tốt của người phục vụ (gia đình, cán bộ điều trị…).

Một số đặc điểm về nhận thức:

Mức độ thèm ma túy giảm, nhận thức được tác hại của ma túy và suy nghĩ đặt thành vấn đề cần phải giải quyết như thế nào.

Một số biểu hiện về tình cảm: buồn phiền giảm, lo lắng giảm, cáu kỉnh giảm, người nghiện thích lẻ loi, cô độc, không muốn tham gia các hoạt động.

Do những đặc điểm tâm lý trên, cán bộ điều trị và người thân phải giám sát những hành vi của đối tượng chặt chẽ hơn. Đồng thời phải tăng cường tư vấn về tâm lý nhóm, tâm lý cá nhân, làm việc nhiều. Tư vấn cho gia đình họ giải quyết tận gốc những sang chấn tâm lý, lôi kéo họ tham gia vào các hoạt động văn hoá – văn nghệ, thể dục thể thao và các hoạt động xã hội, hoạt động nhóm…

5. Giai đoạn bắt đầu phục hồi tâm sinh lý (trên 180 ngày):

Người nghiện đã trải qua một quá trình điều trị, đã tham gia sửa đổi những hành vi sai lệch, học tập được nhiều điều trong cuộc sống kể cả những điều hay, điều dở. Do đó, họ xuất hiện một số hành vi, nhận thức sau:

Một số hành vi thông thường: hay đánh bạc, uống rượu, tham gia làm việc tốt, việc không tốt, hay muốn quan hệ tình dục.

Biểu hiện tình cảm:

Trong họ xuất hiện sự mâu thuẫn, một bên thực hiện nhiều nguyên tắc, quy định trong quá trình cai nghiện phục hồi, những nguyên tắc xây dựng môi trường điều trị, cơ cấu điều trị… Và một bên là những nhu cầu quan hệ xã hội của đối tượng như nhu cầu thích tự do, thích uống rượu, đánh bạc… Nếu người nghiện được điều trị, phục hồi với thời gian liên tục trên 6 tháng, cung cấp các dịch vụ điều trị đầy đủ, họ sẽ ít có khả năng quay lại sử dụng ma túy.

Tâm sinh lý thay đổi theo từng giai đoạn

Tóm lại, đặc điểm tâm sinh lý của người nghiện ma túy thay đổi theo từng giai đoạn của quá trình điều trị phục hồi, giống như tâm lý của người bị bệnh đái đường, cao huyết áp. Lúc huyết áp cao, đường máu cao, họ lo lắng, kiêng khem… Nhưng khi huyết áp, đường máu trở về bình thường họ lại sẵn sàng uống rượu, ăn uống không cần kiêng khem. Thậm chí không cần uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ… Trong quá trình điều trị phục hồi cho NNMT, cán bộ điều trị cũng như người thân hay người hỗ trợ (Giám sát). Cần phải nắm được những đặc điểm tâm sinh lý của người nghiện ở các giai đoạn khác nhau để đưa ra biện pháp xử lý mới đạt hiệu quả cao.

#Nhậnbiếtngườinghiệnmatúy #nghiệnmatúy #đặcđiểmngườinghiệnmatúy #tâmlýngườinghiệnmatúy #sinhlýngườinghiệnmatúy #Nhậnbiếtmatúy #ngườinghiệnmatúy

NHỮNG BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM NHẤT:

THEO DÕI TÂY SƠN TẠI:

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Yêu cầu: nhận xét và đánh giá trung thực chỉ liên quan tới sản phẩm và nội dung trên.